Khởi sắc từ ngành công nghiệp chế biến cá tra

Thời gian qua, sự tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến cá tra tưởng chừng đã tới ngưỡng, cùng với đó là hàng loạt khó khăn: áp lực về rào cản kỹ thuật, thuế chống bán phá giá của các nước nhập khẩu, thiếu nguyên liệu trong các tháng gần đây v.v. làm cản trở bước đường phát triển của ngành hàng này; thế nhưng, bằng nỗ lực của doanh nghiệp cũng như sự đồng hành của các cấp, các ngành, tình hình chế biến và tiêu thụ cá tra vẫn cho thấy tín hiệu lạc quan.

Cá tra là một trong những ngành hàng thế mạnh của tỉnh
Nhiều tín hiệu lạc quan
Chế biến cá tra và thức ăn chăn nuôi là 02 lĩnh vực chủ lực trong sản xuất công nghiệp hiện nay của tỉnh, chiếm gần 80% giá trị sản xuất toàn ngành. Trong quý I năm nay, chế biến thức ăn chăn nuôi giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm 2013, một số ngành khác không tăng nhưng sản lượng chế biến cá tra đạt gần 45.000 tấn, tăng hơn 9% đã góp phần làm cho sự tăng trưởng chung của toàn ngành đạt 1,27%.
Theo ông Nhị Văn Khải - Giám đốc Sở Công Thương, sở dĩ ngành chế biến cá tra vẫn giữ được mức độ sản xuất ổn định và phát triển như vậy là do phần lớn các doanh nghiệp chủ động được vùng nuôi, giữ được uy tín với khách hàng nên đầu ra ổn định. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn tích cực mở thêm thị trường mới ở châu Mỹ, châu Á và Trung Đông, đa dạng hóa sản phẩm, phát huy công suất nhà máy và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Hùng Cá và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Cửu Long là những đơn vị có tốc độ tăng trưởng khá cao trong quý I năm nay với trên 15%. Dù chiến lược kinh doanh có khác nhau nhưng điểm chung của 02 công ty này là luôn giữ ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào và chữ tín đối với khách hàng.
Trước tình trạng người nuôi treo ao hàng loạt do giá cá tra giảm liên tục trong thời gian dài (chỉ mới nhích lên trong 01 - 02 tháng gần đây) dẫn đến thiếu nguyên liệu, một số doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động nhưng đến với Công ty trách nhiệm hữu hạn Hùng Cá, chúng tôi vẫn cảm nhận được không khí tất bật trong từng khâu sản xuất.

Không khí sản xuất tất bật tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Hùng Cá
Hiện các vùng nguyên liệu của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hùng Cá đáp ứng được 80% nhu cầu sản xuất; còn lại 20%, công ty phối hợp với người dân theo phương thức nuôi gia công. Bằng nhiều chính sách đãi ngộ, chia lợi nhuận ở mức cao từ 20 - 25%, nên công ty luôn giữ được mối hợp tác bền vững với người nuôi, ông Trần Văn Hùng - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hùng Cá phấn khởi cho biết.
Trong khi hàng tồn kho là mối lo ngại hàng đầu của các doanh nghiệp do thị trường co cụm thì 05 nhà máy của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hùng Cá hoạt động với công suất 400 tấn nguyên liệu/ngày vẫn không đủ để xuất khẩu. Xuất phát từ yêu cầu của sản xuất, công ty đã mạnh dạn đầu tư nhà máy chế biến Hùng Cá 2 công suất hơn 200 tấn/ngày, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm nay.
Còn tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Cửu Long, Canada và Mexico là những đối tác mới được phát triển bên cạnh thị trường truyền thống như Liên minh châu Âu (EU), Trung Đông. Đối với Cửu Long, việc chăm sóc khách hàng được ưu tiên hàng đầu thông qua việc chú trọng thực hiện đúng chất lượng và tiến độ giao hàng như cam kết trong hợp đồng.
Bên cạnh đó, công ty còn thường xuyên trao đổi thông tin để phục vụ tốt hơn những yêu cầu của khách hàng. Bằng chứng là khi EU vừa đưa ra các tiêu chí về rào cản kỹ thuật như: GlobalGAP (1), ASC (2), thì công ty lập tức thay đổi để thích ứng. Từ khâu nuôi trồng, chế biến ra thành phẩm đều được áp dụng công nghệ tiên tiến, hạn chế sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và các chế phẩm sinh học để quản lý tốt môi trường. Nhờ vậy, công ty vẫn giữ được các thị trường xuất khẩu chủ lực của mình, thậm chí là khách hàng khó tính và phát triển thêm thị trường mới, ông Mai Đình Sơn - Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Cửu Long cho biết.

Các vùng nuôi đang phấn đấu thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế
Không chỉ có thành tích trong kinh doanh, một số doanh nghiệp của tỉnh cũng đã tích cực đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra, trong đó phải kể đến dự án Nhà máy tinh luyện dầu cá tra của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (I.D.I) công suất 30.000 tấn nguyên liệu/năm, với vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng hay Nhà máy trích ly Collagen từ da cá tra công suất 1.000 - 2.000 tấn/năm của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn với vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng.
Hiện các dự án trên đang trong giai đoạn lắp đặt thiết bị, vận hành thử nghiệm, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm nay. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng tích cực tham gia hoạt động kiểm toán năng lượng, triển khai các hoạt động sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; từ đó, đã có những đầu tư cải tiến, nâng cấp dây chuyền sản xuất hợp lý hơn, tạo hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn.
Cần nhiều giải pháp để phát triển bền vững
Tuy có nhiều dấu hiệu khởi sắc nhưng để phát triển bền vững ngành hàng cá tra là cả chặng đường dài. Trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đã xác định một trong những mục tiêu quan trọng là phát triển mặt hàng cá tra thành ngành xuất khẩu chiến lược quốc gia, trong đó sẽ tập trung ở thị trường Mỹ.
Phải thừa nhận rằng, đây là thị trường rất giàu tiềm năng. Hiện Đồng Tháp có 09 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ, kim ngạch xuất khẩu năm 2013 là hơn 123 triệu USD, chiếm 23% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh. Tuy nhiên, Đạo luật Nông trại (Farm Bill) của Mỹ vừa được thông qua có một số điều khoản về kiểm soát cá da trơn vào thị trường nước này, được dự đoán sẽ ngày càng gắt gao.
Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Lê Minh Hoan nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng còn lại của tỉnh là phải đánh giá tác động của Đạo luật Nông trại Mỹ đối với ngành cá tra, tìm những giải pháp thích ứng, giảm thiểu những thiệt hại; đồng thời phải tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, người sản xuất chủ động thích nghi với kinh tế thị trường, tuân thủ quy trình sản xuất, chế biến nông, thuỷ sản theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Về lâu dài, để phát triển bền vững ngành hàng cá tra theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải có sự phối hợp từ nhiều phía, trước hết Chính phủ cần có các chủ trương chính sách, quy định cụ thể cho việc sản xuất kinh doanh về lĩnh vực này; các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long có sự phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm soát vùng nuôi, sản lượng sản xuất đầu vào, giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất và chế biến để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của thị trường v.v., ông Nhị Văn Khải - Giám đốc Sở Công Thương nêu ý kiến.
Những năm qua, chế biến cá tra xuất khẩu luôn thể hiện được vai trò chủ lực trong sản xuất công nghiệp. Trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng có sự góp mặt của ngành hàng này, chứng tỏ đây là lĩnh vực đang rất được quan tâm và cần phát huy giá trị. Với những tín hiệu khả quan trong thời quan qua cộng với nhiều chính sách, đề án sắp được ban hành sẽ mở ra một lối đi mới, đưa sản xuất cá tra ngày càng phát triển bền vững.
Như Ý
___________________
(1): Tiêu chuẩn thực hành nuôi tốt (GlobalGAP) là một bộ các tiêu chuẩn chứng nhận áp dụng tự nguyện trên toàn cầu cho hệ thống sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản) nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn.
(2): Tiêu chuẩn ASC cá tra là tiêu chuẩn tự nguyện được ban hành bởi Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản (ASC). Giống như những tiêu chuẩn bền vững khác, ASC cũng tập trung vào các vấn đề nuôi trồng thủy sản bền vững. Tuy nhiên, ASC đặt biệt chú trọng vào các vấn đề về bảo tồn hệ sinh thái và an sinh xã hội. Những lợi ích trong quá trình sản xuất có thể thấy được từ việc áp dụng tiêu chuẩn ASC là việc giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường, tăng cường hiệu quả sản xuất (giảm tỉ lệ tiêu thụ thức ăn, tỉ lệ chết), cải thiện an sinh xã hội cho người lao động cũng như cộng đồng dân cư xung quanh vùng nuôi v.v.. Bên cạnh đó, nhu cầu mua hàng có tiêu chuẩn ASC tại thị trường nhập khẩu châu Âu đang tăng lên và trở thành yêu cầu quan trọng. Những thị trường nhập khẩu khác như Mỹ, Nhật đang dần bị hấp dẫn bởi với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chứng nhận ASC.
Bài viết liên quan

sản phẩm nổi bật

CÔNG TY TNHH XNK THỦY SẢN ĐÔNG Á
  • Kích thước: (L)310mm x (D)55mm
  • Hình thức đóng gói: 10 kg/túi PE + có nhãn, 10kgs/thùng chính có dây đai
  • Số lượng: 20'FCL khoảng 1.100 thùng; 40'FCL khoảng 2.200 thùng (+/-10%)
Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn
  • Kích thước: 170g – 220g/ 220g – 330g
  • Hình thức đóng gói: Túi 1kg có rider x 10/ thùng
Công ty TNHH Hùng Cá
  • Kích thước: 75gr
  • Nguồn gốc: Cá Tra được tìm thấy phổ biến nhất ở Việt Nam. Phần lớn các trang trại nuôi cá được đặt tại tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ.
  • Thị trường: Cá tra rất phù hợp cho những bữa ăn ngon của mọi gia đình ở nhiều nước trên thế giới.
  • Phương pháp nấu: Ngon nhất là cá Tra nướng, kho, sa tế, nướng vỉ, chiên, hun khói, hấp. Thịt cá sẽ duy trì độ ẩm trong khi chế biến.
  • Thông tin liên quan: Ngày nay, cá Tra phi lê đã được biết đến như một trong những sản phẩm được quản lý chất lượng chặt chẽ trong ngành công nghiệp thực phẩm. Cá Tra được nuôi bằng ngũ cốc đậu nành để đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, kết cấu thịt, và hương vị của miếng cá.

Đăng ký nhận tin:
Đăng ký
Hỗ trợ trực tuyến
Vui lòng điền thông tin bên dưới và gửi tin nhắn cho chúng tôi để được giải đáp các vấn đề mà bạn quan tâm. Rất hận hạnh được phục vụ quý khách!
;
Đang xử lý...